BÀI TUYÊN TRUYỀN LUẬT PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2023

Đăng lúc: 15:52:47 27/04/2023 (GMT+7)

 

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN LUẬT PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2023

 

\  Kính thưa: các đồng chí cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân trong toàn xã

          Mái ấm gia đình là điểm tựa, là cái nôi nuôi dưỡng và dạy dỗ con người. Nhà luôn là nơi yên bình và cho ta những tình cảm chân thật nhất. Chỉ khi ở nhà ta mới cảm thấy yên bình, bao lo âu mỏi mệt bỗng chốc tan biến. Gia đình luôn là niềm tự hào và đáng trân trọng trong tim mỗi người. Thật vậy, gia đình với con người rất quý giá và đáng trân trọng, nhưng hiện nay ở một số gia đình lại xuất hiện hành vi bạo lực đáng thương tâm. Đây là một trong những vấn nạn mà cả xã hội đang lên án và cần có biện pháp để khắc phục.

          Bạo lực gia đình đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả  nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật trẻ em năm 2016 đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành  đối tượng, nạn nhân của bạo lực gia đình. Những văn bản Luật này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng đánh giá một cách khách quan các văn bản quy phạm pháp luật này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi và chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

          Bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 – 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác /hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc Điều tra được thực hiện năm 2009 thì số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam còn tăng lên.

Bạo lực gia đình cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy chỉ riêng năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc bạo lực gia đình, năm 2015 là 33.966 vụ.

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Để phòng, chống bạo lực giá đình đạt hiệu quả cao trong cuộc sống, Ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua,  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều,  quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vii phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, Luật này thay thế Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007

Bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là: “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạnghành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với nhiều dạng thức khác nhau.

2. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình là: “Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.

 Trên đây là toàn bộ nội dung bài tuyên truyền luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 rất mong được các đồng chí cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân quan tâm lắng nghe và góp ý để bài viết được hoàn thiện hơn, xin chân thành cảm ơn./.

                                        

                                                           Lê Ngọc Long – Công chức TPHT